16/12/2024

(CIECI 2024) Thúc đẩy các chính sách thực hành xanh và thương mại đầu tư xanh

Mục lục (Ẩn / Hiện)
Trong 2 ngày 22 và 23/11/2024 tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đồng tổ chức hội thảo hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế lần thứ 12 (CIECI 2024) với chủ đề: “Các chính sách xanh và thực tiễn - Động lực phát triển hay áp lực cho Thương mại đầu tư”. Sự kiện thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.

CIECI 2024 nằm trong chuỗi hoạt động thường niên về Hợp tác và Hội nhập Kinh tế quốc tế CIECI (Conference on International Economic Cooperation and Integration) được khởi xướng từ năm 2013 tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN nhằm đem lại một môi trường trao đổi học thuật về những chính sách, cơ hội và thách thức nền kinh tế gặp phải trong quá trình hội nhập kinh tế.

Đây là diễn đàn khoa học để các chuyên gia cùng trao đổi, phân tích về vai trò của các chính sách xanh trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, đồng thời đánh giá những thách thức mà các doanh nghiệp và quốc gia phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. CIECI 2024 được kỳ vọng mang đến những góc nhìn mới mẻ và các giải pháp thực tiễn nhằm hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi xanh.

Hội thảo được tổ chức bởi Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phối hợp với Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF), Confab 360 Degree (Ấn Độ), Trường Đại học Ngoại thương (Việt Nam), Trường Đại học Adelaide (Úc), Trường Đại học Kinh tế - Luật (Việt Nam), Trường Đại học Rangsit (Thái Lan) và Trường Đại học Sofia (Bulgaria).

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, PGS.TS Lê Trung Thành cho biết: Thương mại và đầu tư toàn cầu đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, như ô nhiễm và mất đa dạng sinh học. Báo cáo của WTO cho thấy các hoạt động thương mại chiếm từ 20% - 30% lượng phát thải carbon toàn cầu, làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu. Trong khi các quốc gia phát triển đã thực hiện nhiều biện pháp giảm phát thải, các quốc gia đang phát triển thường gặp khó khăn do hạn chế về nguồn lực và quy định còn yếu kém.

Hội thảo CIECI 2024 là diễn đàn khoa học tầm quốc tế, quy tụ nhiều chuyên gia nhằm thảo luận về tác động kinh tế của các chính sách xanh, chuyển đổi số và chiến lược phát triển bền vững. Với nhiều bài báo cáo được chia sẻ tại các phiên thảo luận, tập trung vào việc tích hợp chính sách xanh với thương mại, xây dựng các mô hình tài chính sáng tạo và thích ứng với các tiêu chuẩn môi trường toàn cầu như thỏa thuận xanh của châu Âu, chắc chắn sẽ đưa ra nhiều góc nhìn khách quan về bức tranh thương mại xanh thời hội nhập và chuyển đổi số.

Những nghiên cứu xoay quanh các chủ đề quan trọng như tương lai của thương mại xanh trong một thế giới phân hóa và vai trò của nó trong phục hồi kinh tế toàn cầu. Những phân tích về các thực hành xanh trong các lĩnh vực như nông nghiệp, tài chính, du lịch và logistics, cùng với các giải pháp tài chính và kỹ thuật số sáng tạo, sẽ mang đến lộ trình giải quyết các thách thức toàn cầu.

Hội thảo là cơ hội quý giá để các nhà khoa học cùng nhau chia sẻ tri thức, xây dựng các mối quan hệ hợp tác quốc tế và củng cố sự hợp tác của Trường Đại học Kinh tế trong nghiên cứu và xuất bản với đối tác hợp tác. CIECI 2024 sẽ góp phần đưa gia giải pháp và xác định các định hướng chiến lược để Việt Nam thúc đẩy thương mại, đầu tư xanh phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu.

Kinh nghiệm triển khai thương mại xanh và đầu tư xanh

Tại phiên khai mạc nhiều chuyên gia đến từ các đại học, học viện uy tín trên thế giới đã chia sẻ về tiến trình toàn cầu hóa đã diễn ra sâu rộng với việc các quốc gia tích cực dỡ bỏ các rào cản thương mại, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư khiến dòng thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế gia tăng mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua. Tăng trưởng thương mại và đầu tư trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế song cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng suy thoái môi trường ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước, mất đa dạng sinh học.

GS. Peter Draper - Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế, Trường Đại học Adelaide, Úc chia sẻ về bài toán triển vọng xanh hóa thương mại trong một thế giới chia rẽ giá trị.

Ban Tổ chức hội thảo nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và các giảng viên trong nước cũng như quốc tế. Hơn 50 bài viết chất lượng gửi đến hội thảo tập trung vào các chủ đề chính như: Bối cảnh toàn cầu liên quan đến các chính sách xanh gắn với hoạt động thương mại, đầu tư toàn cầu; Các tiêu chuẩn, quy định, chính sách xanh liên quan đến thương mại và đầu tư; Thực tiễn thương mại và đầu tư gắn với xanh hoá ở các quốc gia trên thế giới và Khuyến nghị cho các quốc gia và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài đáp ứng theo xu hướng tiêu chuẩn xanh của thế giới.

Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày được chia thành các phiên tham luận, thảo luận bàn tròn và các phiên thảo luận song song.

Trong phần tham luận, các diễn giả phân tích sự tích hợp các chính sách xanh liên quan đến thương mại và đầu tư trong các chính sách quốc gia; các cơ hội và thách thức của các chính sách này đối với hoạt động thương mại, đầu tư, tài chính.

GS. Anuj Kumar, Trưởng ban Nghiên cứu, Trường Kinh doanh Rushford, Thuỵ Sỹ nhấn mạnh tác động  quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Ấn Độ đến các cơ hội thương mại và đầu tư. Ấn Độ đang thu hút các dòng vốn FDI vào các lĩnh vực năng lượng mặt trời, gió và hydro xanh.

Sự tập trung ngày càng tăng vào tính bền vững này không chỉ hỗ trợ an ninh năng lượng của Ấn Độ mà còn phù hợp với các mục tiêu khí hậu toàn cầu, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài.

PGS. TS Vũ Thanh Hương, Phó khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế khẳng định, việc EU đưa ra Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) có thể tác động đáng kể đến xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành thâm dụng carbon như dệt may, giày dép và thép. Rào cản thương mại mới này có thể khuyến khích các ngành công nghiệp của Việt Nam đầu tư vào các hoạt động bền vững, nhưng nó cũng có thể thách thức khả năng cạnh tranh, đặc biệt là các SME bị thiếu nguồn lực cho quá trình chuyển đổi xanh.

GS. Yovogan Marcellin, Trường Đại học Sofia, Bulgaria lý giải việc triển khai các yêu cầu về tài chính xanh và ESG có thể nâng cao hiệu quả tài chính của các công ty công nghệ tài chính bằng cách thu hút các nhà đầu tư có ý thức xã hội và mở rộng khả năng tiếp cận các cơ hội tài trợ xanh. Ông cũng lưu ý chi phí tuân thủ liên quan và nhu cầu tích hợp các hoạt động bền vững vào hoạt động ban đầu có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ tài chính có quy mô nhỏ.

Trong khuôn khổ của Hội thảo, nhiều vấn đề về bài toán biến đổi khí hậu, giải pháp hữu ích để vận dụng thực tiễn được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách trao đổi và bàn luận tại phiên thảo luận bàn tròn.

Phiên bàn tròn có sự tham gia của GS. Peter Draper - Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế, Trường Đại học Adelaide, Úc Ông Nguyễn Cảnh Cường, Cựu Tham tán Vương quốc Anh, Ông Trần Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; Bà Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế; Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Thương mại quốc tế (CWIT); Ông Nam, Văn phòng SPSS Việt Nam, Ông Trần Toàn Thắng – Vụ Quốc tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Khi biến đổi khí hậu và tính bền vững của môi trường trở thành trọng tâm trong cả chương trình nghị sự công và tư, các quốc gia và công ty ngày càng áp dụng các chính sách xanh nhằm mục đích giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy năng lượng tái tạo và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Câu hỏi đặt ra là: các chính sách và hoạt động xanh này có phải là chất xúc tác thúc đẩy các cơ hội mới trong thương mại và đầu tư hay chúng là áp lực buộc các doanh nghiệp và quốc gia phải thích nghi với các ràng buộc và quy định mới? Cuộc thảo luận này đi sâu vào vai trò đa diện của các chính sách xanh trong việc định hình thương mại và đầu tư toàn cầu, xem xét cả tiềm năng tăng trưởng tích cực và những thách thức mà chúng có thể đặt ra. Sự phối hợp của các tổ chức quốc tế, vai trò của chính phủ, doanh nghiệp để vượt qua những thách thức này cũng sẽ là nội dung thảo luận của các tác giả.

Phiên thảo luận song song được tiến hành với các chủ đề: Bối cảnh toàn cầu liên quan đến các chính sách xanh gắn với hoạt động thương mại, đầu tư toàn cầu; Các tiêu chuẩn, quy định, chính sách xanh liên quan đến thương mại và đầu tư; Thực tiễn thương mại và đầu tư gắn với xanh hoá ở các quốc gia trên thế giới và Khuyến nghị cho các quốc gia và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài đáp ứng theo xu hướng tiêu chuẩn xanh của thế giới.

Các thỏa thuận quốc tế, các quy định xanh hóa trong các FTA đang có vai trò định hình các chính sách xanh của các quốc gia. Hướng đến đầu tư và thương mại xanh, các quốc gia sẽ mở rộng cơ hội thương mại quốc tế, dòng vốn FDI sẽ tập trung hơn đến phát triển các ngành công nghiệp bền vững. Song các quốc gia sẽ gặp phải nhiều rào cản, đặc biệt là về chi phí và mức độ rủi ro cao. Do vây, những hàm ý chính sách sẽ được các tác giả đưa ra nhằm giúp các chính phủ và doanh nghiệp vượt qua những thách thức này sinh trong quá trình hướng đến xanh hóa hoạt động thương mại và đầu tư. Sự góp mặt của đông đảo các diễn giả đến từ các trường đại học trong và ngoài nước như Úc, Thái Lan, Bungaria, Anh sẽ giúp cho các vấn đề trong phiên buổi sáng được phân tích sâu sắc hơn, đồng thời giúp tăng cường liên kết học thuật đa quốc gia

Ban tổ chức hội thảo CIECI 2024 tin tưởng rằng, sau 2 ngày diễn ra, các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước, nhà khoa học và quản trị doanh nghiệp sẽ bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện và xác đáng hơn, góp phần phát huy những tác động tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Thông qua việc kết nối các chuyên gia, học giả, giảng viên, người học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế, hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo về kinh tế và kinh doanh ở các trường đại học trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trường Đại học Kinh tế là một đơn vị thành viên của ĐHQGHN. Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, Trường không ngừng nâng cao chất lượng về đào tạo, nghiên cứu khoa học và các dịch vụ khác nhằm hướng tới mục tiêu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Trường được xã hội biết đến như là một trường đại học trẻ, năng động, có tầm nhìn và quyết tâm phát triển theo hướng chất lượng và đẳng cấp quốc tế .

Trường đã và đang khẳng định được vị trí trong nước cũng như trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu. Với định hướng nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn, trường triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao, được chuyển giao cho các cơ quan chính phủ, địa phương và doanh nghiệp. Với chiến lược quốc tế hóa giáo dục, Trường đẩy mạnh các hoạt động trao đổi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu nhằm đưa trường trở thành trung tâm tri thức của khu vực và toàn cầu.

Vị thế và uy tín của Nhà trường đang dần được củng cố và nâng cao. Trường đã được ghi nhận là đơn vị chủ lực, tiên phong, dẫn đầu đóng góp chính vào kết quả xếp hạng ĐHQGHN đứng top 450-500 thế giới ở lĩnh vực Kinh doanh và Nghiên cứu Quản lý do Bảng xếp hạng QS danh tiếng công bố vào năm 2022, cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được xếp hạng.

17 SDGs: Mục tiêu phát triển bền vững (Tên tiếng Anh: Sustainable Development Goals – SDGs)

Mục tiêu toàn cầu được thiết kế nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới tham gia tiến trình chấm dứt đói nghèo, bảo vệ môi trường – khí hậu Trái Đất và đảm bảo rằng tất cả mọi người ở khắp mọi nơi được hưởng hòa bình, thịnh vượng. Đây cũng chính là lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc (LHQ) đến Việt Nam nói riêng và các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc nói chung. Mục tiêu phát triển bền vững bao gồm 17 mục tiêu được chia thành 4 khu vực quan trọng, nhằm giải quyết những thách thức to lớn mà con người đang phải đối mặt về ô nhiễm môi trường, đói nghèo, khủng hoảng tài chính – kinh tế, năng lượng, lương thực, hòa bình và hợp tác… hướng đến một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho tất cả mọi người vào năm 2030.

>>> Tin bài liên quan:

-Đào tạo sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN trở thành công dân toàn cầu

-CIECI 2023: Thúc đẩy sự tham gia chuỗi giá trị toàn cầu hướng tới chuyển đổi số và phát triển bền vững

 

 Thùy Dương, ảnh Thanh Mai - VNU Media

Các tin khác