19/05/2025

ĐHQGHN và ĐHQG Moskva mang tên M.V. Lomonosov hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo đồng cấp bằng

Mục lục (Ẩn / Hiện)
Ngày 13/5/2025, trong chuyến thăm và làm việc tại ĐHQG Moskva mang tên M.V. Lomonosov (MSU) - đại học danh tiếng, lâu đời và là biểu tượng của nền giáo dục Nga, Giám đốc ĐHQGHN GS. Lê Quân và Giám đốc MSU GS.VS. Victor Antonovich Sadovnichy đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đại học.

 Giám đốc ĐHQGHN GS. Lê Quân và Giám đốc MSU GS.VS. Victor Antonovich Sadovnichy đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đại học

Theo thỏa thuận hợp tác, ĐHQGHN và MSU nhất trí hợp tác trong trao đổi cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu để cùng tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên đề, thực hiện các hoạt động nghiên cứu chung; Phát triển các chương trình đào tạo chung, bao gồm cả chương trình cấp bằng kép; Trao đổi tài liệu học thuật và các ấn phẩm khoa học; Trao đổi sinh viên, học viên, tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm cho người học…

Trải qua 270 năm thành lập và phát triển, MSU đã đào tạo hàng triệu người tốt nghiệp đại học và sau đại học. Rất nhiều người học tại đây đã trở thành các nhà lãnh đạo quốc gia, nhà quản lý tài năng, tổng công trình sư, kỹ sư, nhà khoa học, bác học tầm cỡ thế giới. Năm 2018, GS.VS. Victor Antonovich Sadovnichy và MSU vinh dự được tặng Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam vì những đóng góp to lớn trong sự nghiệp thiết lập và phát triển quan hệ hữu nghị, cũng như vì những công lao cho công việc đào tạo nhân sự cho Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, GS. Lê Quân cho biết, với vai trò là đại học hàng đầu tại Việt Nam, ĐHQGHN luôn cam kết với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học đỉnh cao và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Trong suốt lịch sử phát triển của mình, ĐHQGHN luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác truyền thống, hữu nghị và tốt đẹp với các đối tác Nga, trong đó MSU chiếm một vị trí vô cùng đặc biệt và quan trọng.

Mối quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN và MSU đã có một lịch sử lâu dài và bền chặt, với nhiều thành tựu hợp tác mà hai bên đã cùng nhau vun đắp, từ việc trao đổi học thuật, tham gia các hội nghị quốc tế, các chương trình giáo dục, cho đến các dự án nghiên cứu chung. Một dấu ấn đặc biệt trong quan hệ hai đại học là việc ĐHQGHN trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Viện sĩ Viktor Sadovnichiy, ghi nhận những đóng góp to lớn của ông cho sự phát triển khoa học và giáo dục cũng như cho tình hữu nghị Việt-Nga.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng, ĐHQGHN được giao trọng trách đào tạo đội ngũ trí thức trình độ cao - lực lượng nòng cốt trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. ĐHQGHN đã và đang triển khai các chương trình đào tạo tinh hoa, các ngành học liên ngành, tích hợp công nghệ hiện đại, có khả năng thích ứng cao với thị trường lao động toàn cầu. Nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam, với nền tảng vững chắc về khoa học cơ bản, đội ngũ chuyên gia đầu ngành, ĐHQGHN đang triển khai đồng bộ các chương trình đào tạo mới về kỹ thuật vi điện tử, vật liệu bán dẫn, thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo tích hợp, hướng tới hình thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu bán dẫn hàng đầu quốc gia.

Chia sẻ nhiều điểm tương đồng khi đều là những đại học quốc gia, đại học đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ mỗi nước quan tâm, đầu tư, Giám đốc Lê Quân tin rằng ĐHQGHN và MSU có tiềm năng hợp tác rộng mở. Ông đề nghị, hai đại học sẽ tập trung hợp tác trong bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ cho cả hai quốc gia. Cùng với đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh của mỗi bêng và các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như khoa học cơ bản, công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, vật liệu bán dẫn, và nghiên cứu y học.  Giám đốc Lê Quân mong rằng phía MSU sẽ tạo điều kiện cho đội ngũ nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN sang trao đổi, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn.

Giới thiệu về MSU, GS.VS. Victor Antonovich Sadovnichy đồng thời khẳng định vinh dự và vui mừng khi được kết nối hợp tác với các cơ sở giáo dục hàng đầu Việt Nam, trong đó có ĐHQGHN. Ông cho biết, MSU sẵn sàng phát triển các hoạt động hợp tác với ĐHQGHN và mong sẽ có nhiều sinh viên, học viên và cán bộ của ĐHQGHN tới MSU học tập, giao lưu, trao đổi. GS.VS. Victor Antonovich Sadovnichy cũng mong ĐHQGHN và các cơ sở giáo dục Việt Nam sẽ ngày càng thể hiện vai trò, vị thế và trách nhiệm xã hội khi tham gia Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam - Liên bang Nga.  

Nhất trí với những đề xuất hợp tác của GS. Lê Quân, GS.VS. Victor Antonovich Sadovnichy đề nghị, bên cạnh các lĩnh vực như bán dẫn, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, hai đại học có thể hợp tác trong linh vực y tế, kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai đại học cũng thảo luận về đề xuất thành lập liên minh chiến lược giữa các đại học hàng đầu của Việt Nam và Liên bang Nga bao gồm ĐHQGHN, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov và ĐH Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg. Liên minh này được thành lập để tăng cường phối hợp trong đào tạo, nghiên cứu và hỗ trợ lẫn nhau giữa các đại học chủ chốt của hai nước, đồng thời mở rộng tiềm năng hợp tác đa phương bền vững trong lĩnh vực giáo dục đại học và đổi mới sáng tạo. GS. Lê Quân và GS.VS. Victor Antonovich Sadovnichy tin tưởng rằng, với uy tín, bề dày truyền thống, tiềm lực khoa học to lớn và sự đồng lòng, quyết tâm của mỗi bên, hợp tác giữa ĐHQGHN và MSU sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân toàn cầu ưu tú, thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển, đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

 

Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov (MSU) là đại học lớn nhất và lâu đời nhất ở Nga, thành lập năm 1755.

Trong thế kỷ 18, MSU bao gồm 3 khoa là triết học, y khoa và luật. Đến nay, MSU có 29 khoa đào tạo các lĩnh vực từ khoa học tự nhiên, kỹ thuật đến khoa học xã hội và nhân văn; 15 viện nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. MSU có 6 chi nhánh tại các khu vực khác nhau, mở rộng phạm vi đào tạo và nghiên cứu; có 4 bảo tàng, thư viện với hàng chục triệu xuất bản phẩm, hàng trăm phòng thí nghiệm khoa học trang bị hiện đại, Công viên khoa học, Vườn thực vật, Nhà xuất bản... Một số khoa có bề dày thời gian trường tồn song song với lịch sử của Trường, nhưng cũng có những khoa còn rất trẻ, mới được thành lập đáp lại yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng của thế giới và khoa học. Cho đến nay, MSU đã có 13 nhà khoa học đạt giải giải Nobel, 6 nhà khoa học được huy chương Fields và 01 nhà khoa học đạt giải Turing.

Năm 1992, MSU được trao cho một cơ chế đặc biệt là được nhận tiền trực tiếp từ ngân sách nhà nước (không thông qua Bộ Giáo dục và Khoa học). Điều này làm tăng đáng kể sự tự chủ, độc lập của MSU. MSU được hưởng quy chế đại học tự quản của Liên bang Nga, cũng là trường đại học đầu tiên tại Nga được Bộ Giáo dục và Khoa học Nga cho phép tự xây dựng chương trình giáo dục và cấp bằng tốt nghiệp theo mẫu riêng.

Đặc biệt, Luật Liên bang của Liên bang Nga về Đại học Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov và Đại học Quốc gia Saint Peterburg được Viện Duma Quốc gia Liên bang Nga thông qua ngày 21/10/2009; được Hội đồng Liên bang Nga chuẩn y ngày 30/10/2009. Luật quy định những đặc thù về địa vị pháp lý của các đại học lâu đời hàng đầu của Liên bang Nga -  các cơ sở đào tạo đại học Liên bang gồm Đại học Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov và Đại học Quốc gia Saint Peterburg với tư cách là các cơ sở đào tạo - nghiên cứu khoa học đặc biệt, trong đó bao gồm các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân và có tư cách pháp nhân, là những cơ sở giáo dục đại học lâu đời nhất của quốc gia, có ý nghĩa to lớn trong sự phát triển của xã hội Nga.

Luật này quy định hai Đại học Quốc gia nói trên của Liên bang Nga thuộc cơ quan nhận ngân sách nhà nước của Liên bang; Quy chế hoạt động do Chính phủ Liên bang ban hành; Giám đốc các Đại học Quốc gia này do Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm và miễm nhiệm.

Cơ chế đặc thù trao quyền tự chủ sâu rộng giúp MSU không chỉ vượt trội trong nghiên cứu và đào tạo, mà còn trở thành trung tâm ảnh hưởng chiến lược của nước Nga trong khoa học, giáo dục và chính sách toàn cầu.

 

Các tin liên quan:

Điều gì tạo nên sự danh giá của giáo dục đại học Liên bang Nga?

ĐHQGHN và ĐHQG Mátxcơva ký Thoả thuận về hợp tác Khoa học và Giáo dục dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước Việt Nam - Liên bang Nga

 Sinh Vũ, Ảnh: Tuấn Anh - VNU Media

Các tin khác