Phát triển trí tuệ nhân tạo gắn liền với nguyên tắc đạo đức của xã hội
Ngày 5/1/2024, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, ĐHQGHN phối hợp cùng Bộ Khoa học Công nghệ và Văn phòng Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức chương trình Đối thoại về quản trị trí tuệ nhân tạo AI: Góc nhìn của quốc tế và định hướng cho Việt Nam. Chương trình là một trong những hoạt động cụ thể triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. |
Tham dự chương trình có Phó Tổng thư ký LHQ Amandeep Singh Gill; Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam Pauline Tamesis, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam Korhan Kemik, Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam Poshitha Perere; Thứ Trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy; Chủ tịch Hội Tự động hoá Nguyễn Quân; Nguyên Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Nhung; Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cùng lãnh đạo các ban chức năng, ... cùng các giảng viên, nhà khoa học để từ các đơn vị đào tạo trong toàn ĐHQGHN.
Chương trình đối thoại về quản trị trí tuệ nhân tạo AI được tổ chức với mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy các đối thoại đa phương về quản trị trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0; Tạo điều kiện trao đổi ý tưởng cấp cao về các vấn đề chính trong quản trị AI và những nỗ lực hiện tại của Việt Nam, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, khuôn khổ và bài học kinh nghiệm quốc tế. Đây cũng là một diễn đàn, nơi các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên của ĐHQGHN có thể tiếp cận một góc nhìn mới, được học hỏi những kinh nghiệm và lắng nghe chia sẻ, quan điểm của những chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo. Qua đó cập nhật những xu thế phát triển mới và nâng cao nhận thức về ứng dụng AI trong đời sống.
Phát biểu khai mạc chương trình, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam Pauline Tamesis cho biết: Trong thời đại ngày nay, việc chuyển đổi kỹ thuật số gắn liền với đảm bảo lợi ích con người là một điều được ưu tiên chung của Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam. Tại Hội nghị Summit of the Future diễn ra vào tháng 9/2024, các quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc đã thông qua Hiệp ước vì tương lai. Một phụ lục quan trọng trong hiệp ước này là Hiệp ước Công nghệ toàn cầu. Trong đó yêu cầu cam kết chuyển đổi số toàn diện, mang lại lợi ích cho con người, và cần sự chung tay không chỉ của Liên hợp quốc, mà còn là sự ủng hộ của toàn xã hội. Liên hợp quốc tại Việt Nam đã tham gia một cách tích cực vào việc thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam, theo yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp song phương với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Liên hợp quốc đã cung cấp các khía cạnh toàn diện của số hóa, đưa ra các sáng kiến xây dựng năng lực và hợp tác với Chính phủ Việt Nam về việc đưa ra các chính sách sử dụng AI một cách có đạo đức. “Chương trình hôm nay đã thu hút được nhiều sinh viên ĐHQGHN tham gia, cho thấy giới trẻ Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến lĩnh vực này. Các bạn chính là những thế hệ kế cận, tiếp nối và sử dụng AI, đồng thời phát triển những chính sách mà chúng tôi sắp đề cập tới” - bà Pauline Tamesis cho biết.
Phát biểu tại chương trình, Thứ Trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết giới trẻ, đặc biệt là các sinh viên tại Việt Nam nói chung và ĐHQGHN nói riêng sẽ là những thế hệ tiếp nối, phát triển và đặt ra những mục tiêu mới trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Chương trình đối thoại này sẽ mở ra những kiến thức mới, là diễn đàn nơi các diễn giả và sinh viên có cơ hội cùng lắng nghe, trao đổi về những triển vọng của việc phát triển AI trong thời gian tới.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn chia sẻ: Chúng ta hiện đang sống trong một kỷ nguyên mà sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo đã mang lại nhiều cơ hội và sự phát triển vượt bậc. Sự phát triển của AI đã mở ra cơ hội mới cho các ngành công nghiệp và xã hội, đồng thời yêu cầu con người cần đảm bảo sự bền vững và có đạo đức khi triển khai các hoạt động liên quan đến AI. Những trao đổi được đưa ra tại chương trình hôm nay sẽ định hình nên tương lai của xã hội, nền kinh tế, hệ thống giáo dục của Việt Nam và cách thức mỗi người tương tác với xã hội.
Trong những năm qua, ĐHQGHN tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong về giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Đặc biệt, trong bảng xếp hạng QS 2025, ĐHQGHN tự hào đứng thứ 325 toàn cầu về tính bền vững. ĐHQGHN đã luôn chú trọng đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo AI, chip bán dẫn, … đảm bảo tính bền vững, phù hợp với các nguyên tắc đạo đức và giá trị của xã hội, tự hào trở thành đơn vị đi đầu trong nghiên cứu và đổi mới công nghệ. “Chương trình Đối thoại về Quản trị trí tuệ nhân tạo AI sẽ mang lại những kiến thức sâu sắc để có thể đảm bảo AI được phát triển và ứng dụng một cách có ích, đồng thời bảo vệ nhân quyền, công lý và sự công bằng, mở đường cho các chính sách, quy định hướng đến một xã hội văn minh hơn” - Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh.
Tại chương trình, các diễn giả đã chia sẻ những góc nhìn, quan điểm xoay quanh chủ đề AI. Phó Tổng thư ký LHQ Amandeep Singh Gill đã trình bày những quan điểm và triển vọng của Liên Hợp quốc về AI.
Trong bài chia sẻ với chủ đề: Khuyến nghị về đạo đức AI tại Việt Nam, nguyên Hiệu Trưởng Trường ĐH Luật, ĐHQGHN Nguyễn Thị Quế Anh đã đưa ra các góc nhìn thông qua các nghiên cứu về bối cảnh và nhu cầu phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo có đạo đức, có trách nhiệm, thông qua việc phân tích các xu thế nhằm nhận diện, đánh giá xu thế điều chỉnh trí tuệ nhân tạo ở các quốc gia. Bài chia sẻ của bà cũng đã cung cấp tổng quan chính sách, pháp luật Việt Nam về phát triển trí tuệ Nhân tạo, trong bối cảnh những năm qua, Việt Nam luôn chú trọng phát triển đào tạo, xây dựng các nền tảng dữ liệu phục vụ nghiên cứu về AI.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Câu lạc bộ Khoa-Trường-Viện Công nghệ Thông tin – Truyền thông Việt Nam (FISU) Bùi Thu Lâm trình bày báo cáo Khuyến nghị về đạo đức AI tại Việt Nam
“Đổi mới sáng tạo và ứng dụng AI tại Vingroup” là chủ đề mà Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc VinAI, Tập đoàn VinGroup Bùi Hải Hưng mang đến chương trình
Trong khuôn khổ chương trình cũng đã diễn ra Phiên đối thoại bàn tròn, do điều phối viên Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO chủ trì, cùng các chuyên gia nguyên Hiệu Trưởng Trường ĐH Luật, ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh; Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc VinAI, Tập đoàn VinGroup TS. Bùi Hải Hưng; Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam GS. Nguyễn Thanh Thuỷ và Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam bà Pauline Tamesis. Phiên đối toại đã mang đến các kiến thức mới, góc nhìn cá nhân xoay quanh lộ trình quản trị AI của Việt Nam và tiến độ hiện tại; Xây dựng quan hệ đối tác đa phương vì AI có trách nhiệm; Tận dụng hợp tác quốc tế thu hẹp khoang cách năng lực và những trao đổi xoay quanh thách thức về đao đức trong phát triển AI. >>> Các tin bài liên quan: Chú trọng phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong giáo dục đại học Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý sinh viên ngoại trú |
Ngọc Anh, Bình Lê - VNU Media |