05/04/2022

Cafe 15 của VNU - VSL: “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở ĐHQGHN”

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở ĐHQGHN” là chủ đề của chương trình Cafe số 15 của Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN (VNU - VSL), diễn ra sáng 4/7/2017, tại Tòa nhà Ươm tạo tài năng và Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐHQGHN.
Mục lục (Ẩn / Hiện)
Trong không gian dành riêng cho các hoạt động chuyển giao, giám định, ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà quản lí đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, ĐHQGHN cùng Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings) và đại diện Quĩ Hỗ trợ hạt giống Innofund đã chia sẻ và thảo luận nhiều thông tin hữu ích cùng các thành viên Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN.
 

Phát biểu tại chương trình Café số 15, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đã chia sẻ về những đóng góp của ĐHQGHN đối với hoạt động đổi mới, sáng tạo của hệ thống giáo dục Việt Nam. ĐHQGHN có sáng kiến trong việc hình thành hệ thống phổ thông trung học chuyên, hệ cử nhân khoa học tài năng,… ĐHQGHN đồng thời là nơi khởi nguồn khái niệm đại học nghiên cứu, đại học ứng dụng ở Việt Nam. Gần đây, ĐHQGHN đã có đổi mới mang tính đột phá trong việc tổ chức thành công kì thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học, chuyển giao thành công cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với nền tảng khoa học cơ bản là ưu thế song để gắn với các xu thế mới của thế giới, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải mong muốn các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và thảo luận cởi mở về những đổi mới sáng tạo tiếp theo ở ĐHQGHN.

TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Startup ecosystem) bao gồm các cá nhân, nhóm các nhân khởi nghiệp và các chủ thể hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, trong đó có: các chính sách và luật pháp của nhà nước (về thành lập doanh nghiệp, thành lập tổ chức đầu tư mạo hiểm, thuế, cơ chế thoái vốn,...); Vốn & tài chính (nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng, tập đoàn đầu tư mạo hiểm...); Văn hóa khởi nghiệp (văn hóa doanh nhân, văn hóa chịu rủi ro, mạo hiểm, văn hóa chấp nhận thất bại); Cá nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp (cố vấn, tư vấn, cơ sở ươm tạo, các khu không gian làm việc chung, cơ sở – vật chất phục vụ thí nghiệm, thử nghiệm để xây dựng sản phẩm mẫu,..); Các trường đại học (nguồn tạo ra các ý tưởng, kết quả nghiên cứu, sinh viên giỏi); Nhân lực (hầu hết là những người trẻ, năng lực sáng tạo cao nhưng chấp nhận làm việc với mức lương vừa phải, làm việc cực nhọc, chấp nhận rủi ro để mong mang lại những sản phẩm/dịch vụ mới trên thị trường và có thể giúp doanh nghiệp của họ trở thành doanh nghiệp thành công lớn trong một vài năm); Các khóa đào tạo, tập huấn thường xuyên về khởi nghiệp và các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; Thị trường trong nước và quốc tế. Tất cả những yếu tố này ở Việt Nam đều đang có, có những yếu đó đã phát triển mạnh, có những yếu tố mới chỉ hình thành.

Ông Quất đồng thời chia sẻ, theo thống kê từ Topica Founder Institute và Geektime, hiện nay có khoảng 1800 doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, vì vấn đề về doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là vấn đề mới, do đó chưa hề có các thống kê chính thức của cơ quan quản lí nhà nước về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Cục trưởng cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chia sẻ các thông tin về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Phần Lan và gợi ý cho Việt Nam. Theo ghi nhận của ông Hải, Phần Lan tiếp cận hoạt động giáo dục và đào tạo dựa trên năng lực và khả năng của cá nhân để phát huy tối đa khả năng sáng tạo, đột phá của con người, thoát khỏi tư duy “công nghiệp hóa” trong giáo dục;  Tích hợp Thầy - Nhà (Nhà khoa học – Thầy thuốc – Thầy giáo); Chương trình/ dự án để hỗ trợ sinh viên, giảng viên phát triển ý tưởng và hiện thực hóa được thành sản phẩm, dịch vụ (Design Factory, Start up Sauna,…); Nokia là niềm tự hào của quá khứ trong  đóng góp vào tăng trưởng kinh tế , tương lai phát triển của Phần Lan dựa trên lan tỏa nhân lực trình độ cao và đưa ý tưởng ĐMST ra thế giới.

Từ câu chuyện của Phần Lan, ông Hoàng Hải cho rằng IoT chỉ là phần nổi, gốc rễ kiến tạo nên IoT phải dựa trên công nghiệp chế tạo. Tự trả lời câu hỏi hướng sự đổi mới sáng tạo vào khu vực nào sẽ tốt hơn, ông bày tỏ, về phát triển kỹ năng tư duy ĐMST: Sớm tiếp cận và học hỏi thấu đáo bộ công cụ hướng dẫn phát triển ý tưởng ĐMST (ví dụ: Design thinking,…); Về hướng khai thác thì nên tận dụng tri thức sẵn có để thiết kế các ý tưởng ĐMST không chỉ dựa trên các công trình nghiên cứu khoa học được giao mà từ vấn đề, nhu cầu ngoài xã hội. Xem xét 07 nguồn gốc có thể phát sinh ĐMST: yếu tố bất ngờ, yếu tố mâu thuẫn, nhu cầu từ quy trình, thay đổi cấu trúc ngành, thay đổi nhân khẩu học, thay đổi trong nhận thức, tri thức mới. Về quy mô của ý tưởng: vượt ra ngoài biên giới, xuất khẩu được.

Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng Hải đánh giá về lĩnh vực ĐMST thì các cơ sở giáo dục đại học nên tận dụng thế mạnh về nghiên cứu hiện có.

 

Đối với kinh nghiệm của BK - Holding – một đơn vị khởi nghiệp thành công đến từ Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Tổng Giám đốc Nguyễn Trung Dũng cho hay, BK-Holdings được công bố thành lập năm 2008. Đây là mô hình doanh nghiệp lần đầu tiên được phép thành lập tại một trường đại học ở Việt Nam.

Mục tiêu thành lập BK- Holding là nhằm huy động các nguồn lực của nhà nước, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào quá trình nghiên cứu, ươm tạo và thương mại hoá các sản phẩm Khoa học-Công nghệ của nhà trường. Các nhà khoa học trở thành chủ thể góp vốn, trí tuệ và công sức xây dựng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Dũng nhận định, để khoa học Việt Nam được khắc tên lên bản đồ thế giới, không thể chỉ dựa vào số lượng các bài báo công bố, mà cần tập trung để nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo và tác động xã hội của các nghiên cứu. Đây cũng là điều mà ĐHBK Hà Nội hướng đến trong những năm qua, nhằm giúp cho hoạt động nghiên cứu khoa học đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của đời sống.

Trong khuôn khổ của chương trình café số 15 của VNU - VSL, bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, điều phối viên dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP)” cũng đã chia sẻ các thông tin về tìm vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, việc hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp,…


 

Các tin khác

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ĐHQGHN cần tiên phong trong xây dựng quốc gia khởi nghiệp

Ngày 16/10/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của ...

Phát triển ĐHQGHN theo mô hình đại học thông minh, đổi mới sáng tạo

“Đại học 4.0” được xác định là mô hình đại học thông minh định hướng đổi mới sáng tạo, trong đó ...

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học: Cơ hội và thách thức

Đó là chủ đề của Hội thảo do ĐHQGHN phối hợp với Công ty Agilead Global tổ chức ngày 11/11/2020 tại ...

Chung kết cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp – Sáng tạo VNU năm 2021

Ngày 17/11/2021, tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã diễn ra chung kết cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp ...