ĐHQGHN và ĐH RMIT hợp tác nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn
Thực hiện kế hoạch hợp tác giữa ĐHQGHN và ĐH RMIT, VNU-RMIT Innovation Hub được xây dựng vào cuối năm 2023 và đưa vào vận hành từ tháng 6/2024, với kỳ vọng trở thành hình mẫu hợp tác trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa các đại học hàng đầu và doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam và Australia. Phát biểu khai mạc Toạ đàm, GS.TS. Trần Xuân Tú - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN nhấn mạnh: Không gian Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN-RMIT là nơi quy tụ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh không chỉ của hai đại học mà còn cả các chuyên gia công nghệ đến các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước nhằm giải quyết các bài toán thực tiễn xã hội tại Việt Nam. “Các lĩnh vực mà chúng tôi quan tâm bao gồm trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, robot, tự động hóa, in 3D, thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn... Tại Tọa đàm thúc đẩy hoạt động hợp tác hôm nay, hai bên chọn chủ đề trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn, là chủ đề đang dành được nhiều sự quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Từ đó, hai bên sẽ nhân rộng mô hình hợp tác sang các chủ đề khác”, GS. Trần Xuân Tú bày tỏ. GS. Ray Kirby - Trưởng khoa Kỹ thuật, Phân viện STEM, ĐH RMIT Australia bày tỏ vui mừng khi được cùng hàng chục nhà khoa học, nhà nghiên cứu quy tụ tại VNU-RMIT Innovation Hub để cùng thảo luận về chủ đề AI và công nghệ bán dẫn. Ông mong rằng, tọa đàm không chỉ mang lại những chia sẻ hữu ích về chủ đề AI và công nghệ bán dẫn mà còn góp phần kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các bên, từ đó có thể chung tay giải quyết những thách thức mà xã hội đang đối mặt. GS. Iwona Miliszewska, Trưởng khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, ĐH RMIT Việt Nam cho biết: “Sự hợp tác này đánh dấu một chương mới đầy hứng khởi trong quan hệ đối tác giữa RMIT và ĐHQGHN. Bằng cách kết hợp thế mạnh nghiên cứu của hai bên trong lĩnh vực AI, bán dẫn và các ngành công nghệ cao khác, chúng tôi có cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo mang tính đột phá, thu hút sự quan tâm từ các tổ chức, doanh nghiệp và mang lại lợi ích cho cộng đồng". Tọa đàm thu hút các báo cáo về chủ đề trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn do các nhà khoa học đến từ ĐH RMIT và ĐHQGHN trình bày. Trong mảng AI, các chủ đề tham luận bao gồm từ học sâu (deep learning), khai thác dữ liệu (data mining), đến các ứng dụng AI trong ngành y tế, dự báo thời tiết và các xu hướng nghiên cứu tiềm năng trong AI... Trong khi đó, các bài tham luận trong mảng bán dẫn xoay quanh khoa học vật liệu, thiết kế vi mạch, tích hợp Internet vạn vật trong công nghệ bán dẫn... Tại tọa đàm, các nhà khoa học phân nhóm thảo luận nhằm trao đổi, xác định các định hướng nghiên cứu chung với kỳ vọng sẽ khởi động 3-5 dự án nghiên cứu chung trong thời gian tới. Các dự án nghiên cứu sẽ hướng tới giải quyết các bài toán cụ thể trong phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, biến đổi khí hậu, sản xuất công nghiệp, y tế sức khỏe, giao thông thông minh... Ngoài nội dung nghiên cứu, sự kiện còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối với sinh viên và phát triển nhân tài. Đại diện RMIT và ĐHQGHN trình bày kế hoạch tổng thể về việc tổ chức các cuộc thi chung dành cho sinh viên (bao gồm hackathon xuyên quốc gia), cũng như thảo luận về các cơ hội học tập trải nghiệm để ươm mầm thế hệ nhà sáng tạo công nghệ tiếp theo.
Các tin liên quan: - Rộng mở cơ hội hợp tác về giảng dạy và nghiên cứu giữa ĐHQGHN và ĐH RMIT - Khai trương Không gian Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN và RMIT tại Hòa Lạc - ĐHQGHN và ĐH RMIT, Úc sắp thành lập phòng thí nghiệm chung - ĐHQGHN và ĐH RMIT: hướng tới hợp tác trong nghiên cứu ứng dung - ĐHQGHN và RMIT Việt Nam kí kết hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu - ĐHQGHN và RMIT Việt Nam: hợp tác trong ứng dụng công nghệ kỹ thuật số
|
Sinh Vũ, Quốc Toản - VNU Media |