02/10/2024

Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc đổi mới và định hình giáo dục đại học trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

Diễn đàn các đại học châu Á (AUF) lần thứ 13 với chủ đề “Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc đổi mới và định hình giáo dục đại học” được tổ chức trong hai ngày từ 20 - 21/8/2024 tại Indonesia. Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hiệu và Trưởng Ban Xúc tiến đầu tư Trương Vũ Bằng Giang tham dự diễn đàn.
Mục lục (Ẩn / Hiện)

Diễn đàn năm nay được đồng tổ chức bởi ĐHQG Seoul (Hàn Quốc) và Trường ĐH Nông nghiệp Bogor (Indonesia) với sự tham gia của 17 cơ sở giáo dục đại học uy tín ở các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn QuốcThái Lan, Philippines, Myanmar…

Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Bogor (IPB), GS. Arif Satria cho biết, diễn đàn này được khởi xướng nhằm thúc đẩy và xây dựng các mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học giữa các trường đại học trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các thỏa thuận liên quan đến chương trình trao đổi sinh viênĐiều này sẽ tạo điều kiện để mỗi thành viên AUF có thể hợp tác cùng nhau và thảo luận về những cơ hội, thách thức đối với nền giáo dục đại học ở khu vực, từ đó tăng cường mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

GS. Hong Lim Ryu, Giám đốc ĐHQG Seoul cho biết, ông rất vinh dự khi được hợp tác với IPB trong việc tổ chức Diễn đàn năm nay. IPB là một trong những trường đại học hàng đầu về nông nghiệp ở Indonesia. Ông cũng đánh giá cao IPB về khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong sản xuất thực phẩm ở Indonesia, sứ mệnh hỗ trợ chính phủ thúc đẩy giáo dục tiểu học và trung học, cũng như xây dựng hệ sinh thái mạnh mẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục. “Thông qua sự kiện này, tôi hy vọng mỗi thành viên của AUF sẽ có cơ hội học hỏi từ các đối tác khác trong khu vực, từ đó vận dụng những bài học đó để mở rộng mạng lưới hợp tác giữa doanh nghiệp với đại học, góp phần nâng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, GS. Hong chia sẻ.

GS.TS. Abdul Haris, Cục trưởng Cục Giáo dục đại học, Nghiên cứu và Công nghệ thuộc Bộ Giáo dục đại học, Văn hoá, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia đã tới tham dự và chia sẻ. Ông nhấn mạnh, “Diễn đàn được tổ chức như một chiến lược tốt để tạo tiền đề cho sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục trên toàn cầu, đồng thời thể hiện những nỗ lực triển khai các hợp tác mang tính học thuật. Chủ đề năm nay liên quan đến việc tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học, cũng như lợi ích của nó đối với sinh viên. Đây là một chủ đề khá thú vị, và đó là cách chúng tôi trang bị các kỹ năng trong tương lai cho sinh viên của mình trước khi bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp”.  Tại diễn đàn, ông cũng có bài phát biểu về chủ đề Kỹ năng tương lai cho sinh viên: Chính sách giáo dục khai phóng, mang đến những cái nhìn từ khái quát đến cụ thể về định nghĩa của kỹ năng tương lai và sự cần thiết của việc trang bị những kỹ năng đối với sinh viên. Qua phần trình bày của mình, ông đã chỉ ra những thách thức đối với sinh viên trong quá trình tích luỹ kiến thức, kỹ năng, đồng thời giới thiệu về phương pháp giáo dục khai phóng và tính ứng dụng của nó trong giáo dục đại học.

Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hiệu tham dự diễn đàn AUF lần thứ 13

Trong suốt 02 ngày của diễn đàn, các phiên thảo luận chung đã diễn ra sôi nổi với các bài trình bày từ các diễn giả của các trường đại học là thành viên của AUF. Họ đã cùng chia sẻ nhiều kinh nghiệm về các thách thức, cơ hội mà các trường đã gặp phải trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp với đại học. Các phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề kỹ năng tương lai cho sinh viên, tư duy sáng tạo khởi nghiệp và mối quan hệ giữa nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, mô hình hợp tác với các doanh nghiệp nhằm nâng cao trải nghiệm học tập cho sinh viên.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu cũng được tham quan các cơ sở tại các khuôn viên khác nhau của IPB và được giới thiệu về các phòng, ban, trung tâm liên quan đến việc hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới sáng to và khởi nghiệp.

Thông tin chung về Diễn đàn và về Trường ĐH Nông nghiệp Bogor

Diễn đàn các đại học châu Á - Asian Universities Forum (AUF) được thành lập nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học có uy tín ở châu Á. Kể từ khi được SNU thành lập vào năm 2011, AUF đã đóng vai trò là nền tảng để thúc đẩy hợp tác và trao đổi học thuật trong khu vực. Năm 2023, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức Diễn đàn lần thứ 12 với chủ đề “Cơ hội và thách thức của trí tuệ nhân tạo đối với giáo dục đại học khu vực châu Á”. Về phía ĐHQGHN, có Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn và Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển Nguyễn Thị Anh Thu tham dự.

GS. Arif Satria cho biết, Trường ĐH Nông nghiệp Bogor (IPB) đang tăng cường mạng lưới hợp tác ở cấp độ toàn cầu. Dựa trên bảng xếp hạng do QS World University Ranking (WUR) công bố năm 2025, IPB đứng ở vị trí 426 trên thế giới. Trong bảng xếp hạng QS WUR theo chuyên ngành năm 2024, IPB đã duy trì được vị trí top 10 châu Á về Nông nghiệp và Lâm nghiệp. Trong QS WUR theo chủ đề Nông - Lâm nghiệp năm 2024, IPB được xếp hạng thứ 7 ở châu Á và thứ 51 trên thế giới. GS. Arif nhấn mạnh việc thực hiện xây dựng các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) đang là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của IPB. Hiện nay, IPB đã được đưa vào Top 100 SDGs do THE Impact xếp hạng.

GS. Arif cũng đề cập đến mô hình quản lý và thương mại hóa các sáng kiến do IPB thực hiện. Đây chính là sản phầm của IPB trong nỗ lực hiện thực hóa một trường đại học thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp công nghệ - xã hội. IPB đã xây dựng Công viên Công nghệ Sains (STP), một khu vực được quản lý chuyên nghiệp và dành riêng cho quản lý và thương mại hóa các sáng kiến, chuyển giao công nghệ dựa trên sở hữu trí tuệ và phát triển kinh tế.

 

Các tin liên quan:

Cơ hội và thách thức của trí tuệ nhân tạo đối với giáo dục đại học khu vực châu Á

Diễn đàn AUF 2016: Vai trò của các đại học trong đào tạo thế hệ lãnh đạo tương lai với nhiệt huyết và trách nhiệm xã hội

Sự thích nghi của các cơ sở giáo dục đại học với đại dịch Covid-19: Những đổi mới và thách thức về công nghệ Thắt chặt quan hệ đối tác giáo dục giữa các đại học châu Á hậu đại dịch

Thắt chặt quan hệ đối tác giáo dục giữa các đại học châu Á hậu đại dịch

 

 Thái Sơn - VNU Media

Các tin khác