02/08/2024

Tăng cường sự đồng hành của AUF trong các hoạt động học thuật của ĐHQGHN

Ngày 01/8/2024, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, thành viên Hội đồng Quản trị Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) đã có buổi tiếp và làm việc với Giám đốc Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương, AUF ông Nicolas Mainetti.
Mục lục (Ẩn / Hiện)

Tại buổi làm việc, Giám đốc Lê Quân cho biết, ĐHQGHN chú trọng triển khai nhiều hoạt động hợp tác về đào tạo, nghiên cứu, trao đổi giảng viên, sinh viên với các thành viên của AUF. Đặc biệt, Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN là đơn vị hoạt động sôi nổi, năng động, là cầu nối của ĐHQGHN với Cộng đồng Pháp ngữ.

Trong thời gian tới, ĐHQGHN mong tiếp tục nhận được hỗ trợ của AUF trong đào tạo, nghiên cứu, trao đổi giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học và sinh viên. Giám đốc Lê Quân mong rằng các chuyên gia, nhà khoa học từ AUF sẽ tham gia các hội nghị, hội thảo của ĐHQGHN. Hiện tại, ĐHQGHN đang triển khai dự án nâng cấp ấn phẩm khoa học “Cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á - Thái Bình Dương” (FAP) của Khoa Quốc tế Pháp ngữ thành tạp chí đạt tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, Giám đốc Lê Quân đề AUF hỗ trợ phát triển tạp chí này bằng cách mời các chuyên gia quốc tế tham gia Hội đồng biên tập của tạp chí FAP cũng như viết bài cho tạp chí.

Với tư cách là đại diện duy nhất của khu vực châu Á – Thái Bình Dương tham gia vào Hội đồng Quản trị - cơ quan điều hành cao nhất của AUF, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đề nghị AUF tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương gửi các đề xuất để ông tổng hợp và đưa ra bàn thảo tại cuộc họp Hội đồng Quản trị vào giữa tháng 10/2024 tại cộng hòa Pháp.

Cảm ơn sự tiếp đón của Giám đốc Lê Quân, ông Nicolas Mainetti hy vọng mối quan hệ truyền thống giữa AUF với ĐHQGHN sẽ tiếp tục được củng cố và ngày càng phát triển. AUF luôn ủng hộ các hoạt động mà ĐHQGHN đề xuất, đặc biệt là các hoạt động trao đổi giảng viên, nghiên cứu viên để tham gia công tác giảng dạy, hội nghị, hội thảo; tăng cường công bố khoa học bằng tiếng Pháp thông qua việc phát triển ấn phẩm khoa học FAP thành tạp chí quốc tế.

Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 18 của AUF được tổ chức tại Rumani bằng hình thức kết hợp họp trực tiếp và trực tuyến, dưới sự chủ trì của Tổng thống Rumani Klaus Werner Iohannis và Tổng Giám đốc AUF Slim Khalbous, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã ứng cử và được bầu vào Hội đồng Quản trị của AUF. Việc Giám đốc Lê Quân trở thành thành viên Hội đồng Quản trị AUF sẽ góp phần phát triển quốc tế hóa giáo dục đại học trong khu vực, tại Việt Nam và tại ĐHQGHN, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương và đa phương giữa các đối tác trong khối Pháp ngữ.

Được thực hiện từ năm 2019, Dự án Vietnamica với sự tham gia của AUF - đơn vị quản lý về mặt tài chính, được đánh giá là một trong những hoạt động hợp tác học thuật tiêu biểu Việt - Pháp với sự phối hợp của các đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học hàng đầu của hai nước.

Trong thời gian qua, Tổ chức Đại học Pháp ngữ đã hỗ trợ nhiều hoạt động đào tạo cho các đơn vị của ĐHQGHN. Trước đó, AUF hỗ trợ Khoa Quốc tế Pháp ngữ triển khai Dự án “Tăng cường hoạt động của Trung tâm IFI-BRAIN", nhằm phát triển cơ hội việc làm và sự hòa nhập thị trường lao động của học viên IFI sau khi tốt nghiệp. AUF đã phối hợp với Trường ĐH Luật triển khai chương trình thạc sĩ Luật Hợp tác kinh tế và Kinh doanh quốc tế, đây là chương trình đào tạo trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên được thực hiện từ năm 2001. AUF còn hỗ trợ tổ chức các chương trình song phương tiếng Pháp tại các đơn vị của ĐHQGHN như Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Ngoại ngữ.

Giám đốc Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương, AUF ông Nicolas Mainetti thăm quan và bày tỏ ấn tượng trước cơ sở ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Giám đốc Lê Quân mời ông Nicolas và toàn thể cán bộ của văn phòng AUF tại Hà Nội đến thăm và làm việc với ĐHQGHN tại Hòa Lạc vào tháng 9 tới đây, nhân dịp khai giảng năm học mới

 

Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) là một tổ chức phi chính phủ được thành lập từ năm 1961. Hiện nay, mạng lưới trường đại học thành viên của Tổ chức gồm hơn 1.000 cơ sở đào tạo thuộc 119 quốc gia trên thế giới.

Mục đích và sứ mạng của AUF là kết nối các đại học, trường đại học có sử dụng tiếng Pháp trong đào tạo trên khắp thế giới, nhằm hình thành một cộng đồng Pháp ngữ trong lĩnh vực giáo dục đại học vì sự phát triển bền vững và đoàn kết, trong đó đề cao việc tôn trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội ở các nơi mà AUF ngữ có mặt.

Các ưu tiên của AUF tập trung vào 5 nội dung lớn: Chuyển đổi số và quản trị đại học; Cơ hội việc làm và khởi nghiệp; Mạng lưới và hợp tác quốc tế; Đào tạo giáo viên, giảng viên và đổi mới sư phạm; Nghiên cứu và tôn vinh kết quả nghiên cứu.

Tại châu Á, AUF có các cơ sở giáo dục đại học ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar… Tại Việt Nam, cho tới nay đã có 47 trường đại học là thành viên AUF.

AUF đã thành lập Viện Tin học Pháp ngữ - IFI, là một trong năm viện chuyên môn của khối các trường đại học sử dụng tiếng Pháp. Viện đã phát huy thế mạnh của một trung tâm quốc tế đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học chất lượng cao, góp phần đào tạo nguồn nhân lực về tin học trình độ cao. Năm 2010, IFI được chuyển giao cho ĐHQGHN quản lý và điều hành. Năm 2014, Viện Tin học Pháp ngữ được đổi tên thành Viện Quốc tế Pháp ngữ và hiện đang tiếp tục các chương trình đào tạo cũng như tham gia phát triển quan hệ hợp tác trong khối các nước nói tiếng Pháp. Bắt đầu từ tháng 3/2023, Viện Quốc tế Pháp ngữ chuyển đổi cơ cấu tổ chức và đổi tên thành Khoa Quốc tế Pháp ngữ thuộc ĐHQGHN.

 

Các tin liên quan:

AUF thúc đẩy việc hợp tác với ĐHQGHN các thế mạnh trong đào tạo và nghiên cứu của cộng đồng Pháp ngữ

ĐHQGHN và AUF tiếp tục đồng hành trong đào tạo và nghiên cứu khoa học

Giám đốc ĐHQGHN tham dự cuộc họp Hội đồng quản trị và Ban Điều hành Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF)

Giám đốc ĐHQGHN tham gia Hội đồng Quản trị Tổ chức Đại học Pháp ngữ

Giám đốc ĐHQGHN tham dự cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 18 của Tổ chức Đại học Pháp ngữ

Tổng thống Pháp Francois Hollande thăm ĐHQGHN và phát biểu về tương lai chung của Pháp - Việt Nam

VIETNAMICA: Làm sâu sắc thêm quan hệ học thuật Việt - Pháp

 

 Sinh Vũ, Quyên Trần, Ảnh: Quốc Toản - VNU Media

Các tin khác