18/10/2024

USAID cam kết tiếp tục đồng hành cùng ĐHQGHN trong giai đoạn 2 của Dự án PHER

Ngày 16/10/2024, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã chủ trì buổi làm việc giữa ĐHQGHN với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức Chemonics International về kế hoạch triển khai giai đoạn 2 của dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER).
Mục lục (Ẩn / Hiện)

Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng và một số đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN tham gia dự án.

Tại buổi làm việc, đại diện Tổ chức Chemonics International, ông Philip Edward Psilos đã trình bày khái quát kế hoạch triển khai giai đoạn 2 của Dự án PHER cũng như các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật với các trụ cột chính bao gồm: Quản trị (Governance), Chất lượng đào tạo (Teaching and Learning), Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (Research), Liên kết đại học - doanh nghiệp (Industry Linkages).

Về quản trị, đại diện Chemonics mong muốn hợp phần về quản trị được cải thiện thông qua việc áp dụng KPIs. Kết quả đầu ra của hợp phần này cần nêu rõ các thỏa thuận đạt được về chiến lược tăng hiệu suất thể chế thông qua các KPI đã áp dụng với các khuyến nghị cho các bước tiếp theo. Ở giai đoạn 2, PHER sẽ hỗ trợ về thể chế trong việc xây dựng sự đồng thuận và các thỏa thuận xung quanh chiến lược toàn diện để sử dụng hiệu quả các KPI đáp ứng nhu cầu quản lý và quản trị. Bên cạnh đó, PHER sẽ hỗ trợ các chiến dịch truyền thông về cải tiến KPI giữa các trường đại học thành viên của ĐHQGHN hướng tới nâng cao hiệu quả của tổ chức. Ngoài ra, các chuyên gia của PHER sẽ hỗ trợ ĐHQGHN trong việc xây dựng các công cụ đánh giá chất lượng cho hình thức học tập trực tuyến và học tập kết hợp; cải thiện hệ thống thông tin quản lý hỗ trợ quản trị và chia sẻ tài nguyên.

Về chất lượng đào tạo, PHER xây dựng lộ trình nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ và giảng viên ĐHQGHN theo các yêu cầu công nhận quốc tế; đồng thời cải thiện năng lực trong việc triển khai chiến lược học tập kết hợp và học tập trực tuyến để thúc đẩy các mục tiêu của tổ chức.

Về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, PHER sẽ tập trung cải thiện các chính sách và hoạt động thực tiễn nhằm khuyến khích năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ cũng như nâng cao chất lượng và số lượng công bố quốc tế.

Về liên kết đại học - doanh nghiệp, PHER mong muốn hỗ trợ thành lập một trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với nền tảng trực tuyến; nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm; tăng cường hợp tác công tư và thúc đẩy mối liên kết đại học – doanh nghiệp gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực hành, thực tập cho sinh viên.

Các đại biểu đã trao đổi về các nội dung: khung chương trình tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ lãnh đạo và quản lý các cấp về quản trị đại học; bộ tiêu chí đánh giá dựa trên kết quả công việc (KPIs) cho cán bộ, viên chức và người lao động tại các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN; các hoạt động ưu tiên và phương thức hỗ trợ đối với nghiên cứu khoa học và hợp tác doanh nghiệp; cơ chế điều phối và quản lý dự án PHER trong giai đoạn 2.

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn bày tỏ, các nhiệm vụ của Dự án PHER phải gắn liền với các nhiệm vụ trọng tâm mà ĐHQGHN đang triển khai. Để việc triển khai hợp tác đạt được hiệu quả như kỳ vọng, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn đề nghị các bên liên quan cần trao đổi cụ thể và thống nhất các nội dung sẽ triển khai trong giai đoạn 2 của dự án PHER, đồng thời có sự đồng thuận để phối hợp triển khai trong thời gian tới. Phó Giám đốc ĐHQGHN cũng bày tỏ mong muốn Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ tiếp tục có những hỗ trợ phù hợp và kịp thời để dự án đạt được kết quả cao nhất.

Dự án PHER nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đại học của Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID). Dự án kéo dài 5 năm từ 2022 đến 2026 do Đại học Indiana, Hoa Kỳ làm đơn vị thực hiện. Mục tiêu của dự án là hợp tác và hỗ trợ 3 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Việt Nam, gồm ĐHQGHN, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh và ĐH Đà Nẵng, phát triển bền vững và trự chủ hơn trong các lĩnh vực quản trị, đào tạo, nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp. Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

>>> Các tin tức liên quan:

Dự án PHER năm 2023 đẩy mạnh hoạt động mạng lưới nghiên cứu

Xây dựng Kế hoạch hành động chi tiết của ĐHQGHN trong khuôn khổ Dự án PHER

Hội thảo Dự án PHER: Sự kiện học thuật đầu tiên tổ chức tại khu giảng đường mới của ĐHQGHN tại Hòa Lạc

ĐHQGHN được thụ hưởng nhiều từ Dự án PHER cho chiến lược phát triển

Dự án PHER: Chia sẻ - Học hỏi – Kết nối

Tổng quan Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER)

 Song Minh - VNU Media

Các tin khác