Dự án PHER: chia sẻ tầm nhìn hướng tới phát triển bền vững vì một quốc gia thịnh vượng

Mục lục (Ẩn / Hiện)
Ngày 12/12/2024, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo Sơ kết Dự án Hợp tác Đổi mới giáo dục đại học (PHER) giai đoạn 2022-2024.

Chủ nhiệm Dự án PHER Trần Ngọc Anh (ngoài cùng, bên trái) chuyển giao các tài liệu kỹ thuật của Dự án cho  đại diện lãnh đạo 03 đại học (ĐH Đà Nẵng, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh và ĐHQGHN)

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn dự và phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự sự kiện có PGS.TS. Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Thành ủy viên, Giám đốc ĐH Đà Nẵng; GS.TS. Trần Ngọc Anh - Chủ nhiệm Dự án PHER; TS. Teshome Alemneh - Đồng Chủ nhiệm Dự án PHER; Bà Nguyễn Phương Thảo - Chuyên gia Quản lý Dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam; TS. Phan Minh Đức - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐH Đà Nẵng; TS. Nguyễn Thị Mai Phương - Quyền Giám đốc Dự án PHER; đại diện lãnh đạo các đơn vị đối tác đến từ USAID, Ngân hàng Thế giới (WB) và ĐH Indiana, Hoa Kỳ (IU).

Dự án PHER (tên đầy đủ là Partnership for Higher Education Reform) nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đại học của USAID (Hoa Kỳ), là sáng kiến kéo dài 5 năm từ 2022 đến 2026 nhằm nâng cao năng lực để 3 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Việt Nam là ĐHQGHN, ĐHQG TP Hồ Chí Minh và ĐH Đà Nẵng phát triển bền vững và tự chủ hơn trong các lĩnh vực Đổi mới quản trị đại học; Nâng cao chất lượng giảng dạy; Tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; và Thúc đẩy liên kết đại học - doanh nghiệp, góp phần tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ cho đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong những năm tới. Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể này, các hoạt động của dự án cũng được tổ chức thành 4 hợp phần với tên gọi tương ứng.

Nhiều hoạt động nâng tầm giáo dục đại học

Hơn 2 năm qua, dự án đã triển khai hàng loạt hoạt động ở cả 4 hợp phần: đổi mới quản trị đại học, nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tăng cường kết nối đại học với doanh nghiệp. Theo đó, hơn 2.000 lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ, giảng viên từ ba đại học và 19 trường thành viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu và phát triển các kỹ năng.

Dự án cũng triển khai hệ thống quản trị theo kết quả (KPI), hệ thống thông tin quản lý (MIS), xây dựng các dashboard phục vụ việc điều hành.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo chất lượng bên trong của các chương trình đào tạo được nâng cao thông qua việc phát triển các quy trình, công cụ, hướng dẫn nhằm đảm bảo các chương trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu người học và thị trường lao động, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng…

Song song đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của ba đại học được nâng cao năng lực lãnh đạo, học tập mô hình quản trị từ trường Đại học Indiana (Mỹ).

Dự án cũng giúp 620 giảng viên của ba đại học được phát triển chuyên môn giảng dạy thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu.

PHER đã giúp các đại học rà soát, chuẩn bị cho 17 chương trình thực hiện kiểm định chất lượng theo chuẩn ASIIN (Hội đồng kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các lĩnh vực kỹ thuật, thông tin và khoa học tự nhiên) và ACBSP (Hội đồng kiểm định trường học và chương trình giảng dạy về kinh doanh).

Ba đại học cũng được hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu thông qua hoạt động như xây dựng và phát triển các mạng lưới học thuật Việt Nam - quốc tế (gọi tắt là VIAN); cải thiện hệ thống quản lý và hỗ trợ nghiên cứu; triển khai chương trình trao đổi học giả...

Giám đốc ĐH Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, Hội thảo là dịp để các ĐH cùng đối tác nhìn lại những kết quả nổi bật đã đạt được, cùng nhau chia sẻ bài học kinh nghiệm, qua đó phát huy những nội dung đã làm tốt, khắc phục những điểm còn hạn chế để tiếp tục triển khai dự án trong những năm tiếp theo với hiệu quả cao nhất. Ông cho biết, Dự án PHER đem lại cho ĐH Đà Nẵng cũng như 03 ĐH sự kỳ vọng, tin tưởng là một động lực to lớn tạo nên những thay đổi quan trọng trong hoạt động quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học và quan hệ với các đối tác, góp phần vào sự phát triển của Giáo dục ĐH Việt Nam.

Tăng cường hợp tác hướng đến các mục tiêu bền vững

Giám đốc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân

Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân cho biết, một số kết quả ấn tượng từ thực tiễn ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, điển hình như: Về quản trị ĐH có các giải pháp thu hút nhân tài (điểm nhấn là Chương trình VNU 350 đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút 350 tiến sĩ và các nhà khoa học uy tín); Về chuyển đổi số đã bước đầu triển khai số hóa các quy trình điện tử toàn bộ hệ thống, xây dựng trung tâm dữ liệu viên chức toàn ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Về tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, năm 2024 đã vượt mốc 3000 bài báo trên các tạp chí uy tín (WoS/Scopus)…

Cùng với đó, đại diện lãnh đạo ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những thách thức phía trước và cam kết gắn bó chặt chẽ giữa ba ĐH “cùng trên một con thuyền” cùng các đối tác đưa Dự án đi đến thành công.

Đồng chủ nhiệm Dự án PHER  ông Teshome Alemneh

TS. Teshome Alemneh - Đồng Chủ nhiệm Dự án PHER trân trọng cám ơn các đối tác đồng hành và chúc mừng 3 ĐH với những nỗ lực không ngừng nghỉ, dần hoàn thiện các cam kết triển khai Dự án để có những kết quả, bài học trong quá trình đổi mới giáo dục ĐH phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Điểm nổi bật của Dự án là đã tăng cường tính gắn kết, hợp tác hướng đến các mục tiêu bền vững, thúc đẩy mạng lưới phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học và tài năng. Các hoạt động của Dự án PHER có tính dài hạn, bền vững bởi dựa trên sự tin tưởng và hợp tác để thích ứng với bối cảnh trong nước và quốc tế được sự hỗ trợ của Chính phủ và Chính quyền cũng như các đối tác và 3 ĐH hàng đầu của Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo Dự án PHER gợi mở cần đúc kết những kết quả đổi mới nào có thể tiếp tục nhân rộng trong tương lai và đâu là những thách thức để nỗ lực vượt qua, mở rộng Dự án PHER có tính lan tỏa, hiệu quả.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đánh giá cao những thành tựu đáng ghi nhận của Dự án PHER sau hơn hai năm triển khai. Đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên tham gia, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Dự án và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cán bộ, nhà khoa học và giảng viên tại ĐHQGHN, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh và ĐH Đà Nẵng.

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn nhận định, để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên thì trong suốt thời gian qua, 3 đại học của Việt Nam và ĐH Indiana (Hoa Kỳ) đã cùng chia sẻ tầm nhìn, chia sẻ những thách thức và đặc biệt nhìn nhận ra những sự khác biệt về bối cảnh giáo dục, nguồn lực con người, tài chính và mô hình tổ chức giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ông đề xuất, trong giai đoạn tiếp theo cần xác định lại trọng tâm và phạm vi của Dự án để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao hơn, ưu tiên các hoạt động đáp ứng nhu cầu thực tiễn của từng đại học và hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Đổi mới là tất yếu và là cả quá trình với nhiều thách thức, do đó, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn mong rằng các bên sẽ tăng cường sự cam kết và hợp tác hơn nữa. Dự án cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các đối tác và đội ngũ chuyên gia dài hạn, đồng thời cải thiện cơ chế điều phối và trao đổi thông tin giữa Ban Quản lý Dự án PHER và các đơn vị. Phó Giám đốc ĐHQGHN tin rằng thông qua Dự án PHER, các đơn vị sẽ chia sẻ tầm nhìn hướng tới phát triển bền vững vì một quốc gia thịnh vượng.

Phiên chuyên đề về Quản trị đại học và thảo luận kết quả, kinh nghiệm từ 03 đại học và các đồng Chủ nhiệm Dự án PHER

Tại Hội thảo, GS.TS. Trần Ngọc Anh - Chủ nhiệm Dự án PHER đã chuyển giao các tài liệu kỹ thuật của Dự án cho 03 ĐH như: Hướng dẫn Đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ trong các cơ sở giáo dục ĐH công lập Việt Nam dựa trên bộ chỉ số hiệu suất chính (KPI); Hướng dẫn Xây dựng hệ thống Đánh giá Chương trình đào tạo; Đánh giá Chất lượng Học phần trực tuyến; Phân tích Chính sách về Giáo dục trực tuyến; Hướng dẫn Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý; Khóa bồi dưỡng giảng viên dạy học tập kết hợp; các khóa học trực tuyến đang hoàn thiện trên LMS của các ĐH; Quy định về Liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học và công nghệ tại ĐH Đà Nẵng; Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng đạo đức nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội và nhân văn tại ĐH Đà Nẵng…

Hội thảo đã diễn ra 03 phiên thảo luận với các báo cáo chuyên đề về: (1) Quản trị đại học về Đánh giá cán bộ giảng viên dựa trên Chỉ số hiệu suất chính KPI và Hệ thống thông tin quản lý (MIS) và Đảm bảo chất lượng bên trong; (2) Giảng dạy và học tập, chuyên sâu về Giáo dục số: Chính sách, Phát triển chuyên môn cho sự xuất sắc trong giảng dạy và học tập, Phát triển khóa học trực tuyến; (3) Nghiên cứu và Đổi mới, tích cực trao đổi, thảo luận những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua và thống nhất những kế hoạch thực hiện trong giai đoạn tới.

Phiên chuyên đề về Giảng dạy và Học tập thảo luận kết quả, kinh nghiệm từ 03 đại học

Các tin liên quan:

USAID cam kết tiếp tục đồng hành cùng ĐHQGHN trong giai đoạn 2 của Dự án PHER

Dự án PHER năm 2023 đẩy mạnh hoạt động mạng lưới nghiên cứu

Xây dựng Kế hoạch hành động chi tiết của ĐHQGHN trong khuôn khổ Dự án PHER

Hội thảo Dự án PHER: Sự kiện học thuật đầu tiên tổ chức tại khu giảng đường mới của ĐHQGHN tại Hòa Lạc

ĐHQGHN được thụ hưởng nhiều từ Dự án PHER cho chiến lược phát triển

Dự án PHER: Chia sẻ - Học hỏi – Kết nối

Tổng quan Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER)

USAID: Nâng cao năng lực quản trị nhằm hiện đại hóa các đại học hàng đầu Việt Nam

Chuẩn bị khởi động Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER) với Hoa Kỳ 

 

 VNU Media, Ảnh: UDN

Các tin khác