Rộng mở cơ hội hợp tác lĩnh vực chip bán dẫn với các đối tác Hoa Kỳ
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 11/9/2023, lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó tập trung vào các lĩnh vực hợp tác cụ thể về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, lãnh đạo cấp cao hai nước ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn, thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực bán dẫn tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Phó giám đốc Phạm Bảo Sơn đã giới thiệu sơ lược về bối cảnh đào tạo và triển vọng phát triển Công nghệ Chip bán dẫn tại Việt Nam và tại ĐHQGHN. Hiện nay, ĐHQGHN có 9 nhóm nghiên cứu mạnh, với 6 phòng thí nghiệm được đầu tư trong lĩnh vực này. Định hướng phát triển công nghệ thiết kế vi mạch tại ĐHQGHN tập trung vào triển khai các mô hình hệ thống trên chip IoT kết hợp trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong đô thị thông minh và xã hội số, chuyển đổi số, nông nghiệp số. Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu cũng quan tâm đến việc thiết kế các chip bảo mật ứng dụng trong an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia thông qua các hợp tác nghiên cứu với Ban Cơ yếu Chính phủ, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự,…
Bên cạnh thế mạnh về cơ sở vật chất, ĐHQGHN còn có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có nền tảng tư duy toán tốt, nhân lực có trình độ cao và các chương trình đào tạo tài năng ngày càng tăng. Các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, đặc biệt lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hoá, điện tử, kỹ thuật máy tính đang dành được sự quan tâm của các thế hệ trẻ. Đây là các lĩnh vực có liên quan đến các công đoạn khác nhau trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Nhằm khai thác hiệu quả và phát huy thế mạnh trong nghiên cứu và đào tạo thuộc lĩnh vực thiết kế và chế tạo chip bán dẫn, ĐHQGHN xác định hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của toàn bộ chương trình. Trong hợp tác quốc tế, hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ là định hướng ưu tiên trọng tâm của ĐHQGHN trong nghiên cứu thiết kế và chế tạo thiết bị điện tử bán dẫn. Chính vì vậy, ĐHQGHN luôn mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong việc thiết lập mối quan hệ hợp tác với các đối tác và Chính phủ Hoa Kỳ, giúp đỡ huy động các nguồn tài trợ, hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc phát triển các chương trình, trung tâm, phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu về công nghệ bán dẫn tại ĐHQGHN.
Phó giám đốc Phạm Bảo Sơn cũng bày tỏ mong muốn Đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ là cầu nối liên kết, thúc đẩy trao đổi các chuyên gia công nghệ chip bán dẫn và vi mạch tại Hoa Kỳ và Việt Nam, giúp các nhà khoa học trẻ của Việt Nam nói chung và ĐHQGHN nói riêng có cơ hội được học tập và nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm hàng đầu Hoa Kỳ, đồng thời sẽ có các chương trình trao đổi sinh viên giữa hai quốc gia.
Tại buổi làm việc, bà Mary Elizabeth Polley cho biết, trong thời gian này, phía Hoa Kỳ rất sẵn sàng tham gia hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các vấn đề về phát triển Công nghệ bán dẫn. Việt Nam hiện nay có khoảng 6.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, làm việc trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước và đặt mục tiêu đào tạo hơn 50.000 kỹ sư chất lượng cao từ nay tới năm 2030, trong đó ưu tiên đào tạo các kĩ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Bà Mary Elizabeth Polley cũng bày tỏ mong muốn ĐHQGHN cần tận dụng những cơ hội mới mở ra trong lĩnh vực này và đóng một vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu sản xuất chip bán dẫn phục vụ kinh tế đất nước.
Phó giám đốc Phạm Bảo Sơn tặng quà kỉ niệm cho Tham tán Văn hóa – Thông tin của Đại sứ quán Hoa Kỳ Mary Elizabeth Polley
Bà Mary Elizabeth Polley cũng bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ ĐHQGHN trong việc kết nối ĐHQGHN và các trường đại học hàng đầu tại Hoa Kỳ như Stanford University, Carnegie Mellon University… trong việc trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh và nhà khoa học. Bên cạnh đó, phía Đại sứ quán cũng sẽ luôn là cầu nối ủng hộ, hỗ trợ kết nối ĐHQGHN cùng các phòng nghiên cứu trọng điểm, các tập đoàn hàng đầu về chip bán dẫn tại Hoa Kỳ.
Năng lực nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tập trung tại các đơn vị như Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Quốc tế và Viện Công nghệ thông tin, cùng với 6 Nhóm nghiên cứu mạnh gồm: Phương pháp lý thuyết trường lượng tử và áp dụng nghiên cứu lý thuyết các hiện tượng vật lý trong môi trường lượng tử, Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo vật liệu và linh kiện micro-nano, Phát triển các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ dược liệu, Ứng dụng AI trong y tế, Các giải pháp và nền tảng thông minh trong Trí tuệ nhân tạo 4.0 và Vật liệu nano ứng dụng trong Hóa phân tích. Bên cạnh đó là 3 Phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN gồm: Phòng thí nghiệm trọng điểm Khoa học tính toán đa tỉ lệ cho các hệ phức hợp, Phòng thí nghiệm trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh và Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ micro và nano. |