Đào tạo

Năng lực của chúng tôi
Không chỉ là tổ chức đào tạo các khóa học uy tín, chúng tôi phát triển những chương trình chất lượng, góp phần phát triển và nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý và lãnh đạo, kỹ năng làm việc cho từng nhân viên, từng bộ phận và cho cả đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp. Chúng tôi nghiên cứu và thiết kế các chương trình đào tạo thông qua phân tích nhu cầu đào tạo bằng cách phỏng vấn trực tiếp hoặc gửi bảng câu hỏi đối với các học viên tham gia. Đặc biệt với mảng “Đào tạo In-house”, chúng tôi sẽ thực hiện rất nhiều các chương trình tư vấn và đào tạo được thiết kế riêng biệt về quản trị công ty, quản trị tài chính, kiểm toán, kiểm soát và kế toán cho các tập đoàn, ngân hàng và các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, các tập đoàn và công ty lớn đang hoạt động tại Việt Nam đã đưa các chương trình “Đào tạo In-house“ của chúng tôi  trở thành chương trình đào tạo nhân viên thường niên hàng năm trong doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của Đào tạo và Phát triển trong doanh nghiệp

Năm 2021  – Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam, công bố báo cáo về “Đào tạo và Phát triển trong doanh nghiệp: Thực trạng và xu hướng trong thời kỳ Chuyển đổi số”. Báo cáo này được thực hiện dựa trên dữ liệu được phân tích thông qua 225 doanh nghiệp tham gia khảo sát của Navigos Group.

Mục đích chính của đào tạo chủ yếu để tăng năng suất làm việc của nhân viên: Dữ liệu của báo cáo chỉ ra rằng có đến 82% ý kiến của các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng đào tạo sẽ giúp nâng cao hiệu suất lao động của đôi ngũ nhân viên. Ngoài ra, với mục tiêu “thu hút và giữ chân nhân tài”, Đào tạo và phát triển cũng góp phần quan trọng trong mục tiêu này nên cũng nhận được 49% ý kiến đồng tình. Tiếp theo là vai trò của Đào tạo trong việc phát triển đội ngũ lãnh đạo kế thừa với 48% ý kiến của các doanh nghiệp tham gia vào khảo sát này.

Bản chất công việc thay đổi trong tương lai khiến công tác Đào tạo càng trở nên quan trọng trong doanh nghiệp: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ cùng với rất nhiều sự biến động, đặc biệt là từ sau dịch bên Covid-19 đã khiến tái định hình lại nhiều ngành nghề. Chính vì vậy, một khi bản chất công việc thay đổi và đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng liên tục mới, vai trò của Đào tạo lại càng trở nên quan trọng khi phải nắm được xu hướng này để có thể cung cấp được các chương trình đào tạo đón đầu. 34% ý kiến các doanh nghiệp cùng chia sẻ quan điểm này.

Không phải sự lo ngại về sự thay thế của máy móc, chiếm 15% ý kiến khi được hỏi về lý do vì sao Đào tạo lại ngày càng trở nên quan trọng, mà chính là sự đa dạng về thế hệ trong cùng một doanh nghiệp mới là điều mà  24% ý kiến của doanh nghiệp cho thấy họ quan tâm đến khía cạnh này trong doanh nghiệp. Yêu cầu công tác Đào tạo phải cải tiến, đổi mới các chương trình đào tạo và phát triển càng được đặt ra cấp thiết hơn cả. Trong doanh nghiệp, sự va chạm giữa các thế hệ như thế hệ X (những người sinh trong thập kỷ 1960 – 1970), thế hệ Y (những người sinh trong thập kỷ 1980 – 1990) đến thế hệ Z, còn gọi là thế hệ Alpha (những người sinh từ cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000) nảy sinh những nhu cầu rất mới về kiến thức, về kỹ năng để có thể làm việc chung với nhau.

Thực trạng về Đào tạo và Phát triển trong doanh nghiệp
  • Covid-19 khiến doanh nghiệp cắt giảm các hoạt động về đào tạo và phát triển: Covid 19 đã gây những ảnh hưởng tiêu cực đến các chương trình Đào tạo và Phát triển trong năm 2020. 41% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải giảm một phần các hoạt động đào tạo. 10% doanh nghiệp ngừng hoàn toàn mọi hoạt động liên quan đến yếu tố này. 32% doanh nghiệp cho biết họ bị cắt giảm ngân sách dành cho các hoạt động đào tạo và phát triển. Bên cạnh đó, vẫn có những điểm sáng tích cực khi 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát vẫn giữ nguyên ngân sách dành cho đào tạo và phát triển. 26% cho biết các kế hoạch cho đào tạo và phát triển vẫn giữ nguyên. 23% ý kiến cho biết họ còn gia tăng thêm các hoạt động này.
  • Kết quả làm việc của nhân viên sau đào tạo là thước đo quan trọng nhất của chương trình đào tạo: 61% ý kiến của doanh nghiệp cho biết hiệu quả của chương trình đào tạo sẽ được đánh giá dựa trên kết quả làm việc của nhân viên sau khóa đào tạo. Rất khớp với điều này, hình thức đào tạo dựa trên công việc (on the job training) được đánh giá là hiệu quả nhất trong các loại hình đào tạo. Có thể thấy, tại các doanh nghiệp, việc đào tạo dựa trên yêu cầu thực tiễn của công việc vẫn luôn đóng vai trò quan trọng nhất. Người được đào tạo sẽ được học và được hướng dẫn từ những chuyên gia giỏi nhất, có kinh nghiệm nhất trong tổ chức. Hình thức này cũng rõ ràng tiết kiệm được chi phí đào tạo cho doanh nghiệp.
  • Nhiều doanh nghiệp không có các chương trình đào tạo về Ngoại ngữ, Tin học và Bán hàng: Các dữ liệu của khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp không dành các chương trình đào tạo cho các kỹ năng cơ bản và quan trọng bao gồm kỹ năng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật…) chiếm 43%; không có các chương trình đào tạo các kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin chiếm 24%; không có các chương trình đào tạo về Bán hàng – Tiếp thị – Quan hệ khách hàng chiếm 22%. Việc thiếu hụt các chương trình đào tạo các kỹ năng nền tảng nói trên sẽ có thể dẫn đến khả năng doanh nghiệp bị “hụt hơi” trong việc cạnh tranh trên thị trường không chỉ về sản phẩm, dịch vụ mà còn trong việc giữ chân các nhân viên giỏi. Chưa kể đến các chương trình đào tạo giờ đây bắt buộc phải đổi mới trong thời kỳ chuyển đổi số khi mỗi nhân viên đều phải cần được đào tạo các kỹ năng số để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong kỷ nguyên của công nghệ.
  • Các chương trình đào tạo và phát triển dành riêng cho cấp quản lý/lãnh đạo chưa được chú trọng: Mặc dù có 48% ý kiến của doanh nghiệp cho rằng vai trò quan trọng của đào tạo phát triển đội ngũ lãnh đạo kế thừa. Trên thực tế, 22% doanh nghiệp không có các chương trình đào tạo theo lộ trình phát triển trở thành nhà quản lý tương lai. Ngay cả đối với đội ngũ quản lý/lãnh đạo hiện tại, 32% doanh nghiệp cho biết họ không có các chương trình đào tạo dành riêng cho đội ngũ này.
  • Chương trình đào tạo kết hợp giữa giảng viên nội bộ và giảng viên thuê ngoài được ưu tiên thực hiện: Với 72% doanh nghiệp cùng lựa chọn hình thức kết hợp giữa đào tạo nội bộ và đào tạo thuê ngoài cho thấy sự linh hoạt cũng như cần thiết của việc sử dụng nguồn lực đào tạo nội bộ thông qua các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn mà doanh nghiệp đang có, với việc tiếp nhận những kiến thức, kỹ năng mới từ những chuyên gia ở bên ngoài. Bên cạnh đó, chỉ có 9% doanh nghiệp cho biết họ thuê hoàn toàn đội ngũ đào tạo bên ngoài càng khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ đào tạo nội bộ.
  • Không chỉ được kỳ vọng “làm gương”, đội ngũ lãnh đạo còn cần phải thúc đẩy việc đào tạo và phát triển trong doanh nghiệp: 64% ý kiến khảo sát cho rằng đội ngũ lãnh đạo đóng vai trò quan trọng đối với đào tạo và phát triển thông qua việc làm gương cho nhân viên. Không chỉ vậy, họ còn được kỳ vọng phải là người thúc đẩy sự phát triển của đào tạo trong doanh nghiệp thông qua việc lắng nghe phản hồi từ nhân viên để có các chương trình đào tạo tốt hơn, chiếm 67%. Tiếp theo họ còn được kỳ vọng là người trực tiếp đánh giá và cố vấn khóa học phù hợp cho nhân viên thuộc quyền quản lý, chiếm 60%. Hơn 50% ý kiến kỳ vọng đội ngũ quản lý còn nên tham gia làm giảng viên, người hướng dẫn cho các khóa đào tạo nội bộ.
  • Ngân sách vẫn là rào cản lớn nhất của đào tạo: Đứng đầu về các thách thức trong đào tạo và phát triển trong doanh nghiệp vẫn là “Ngân sách hạn hẹp” chiếm 40%. Cũng với 40%, việc đào tạo “không đáp ứng được nhu cầu đào tạo cho tất cả nhân viên” đứng thứ hai và nằm trong top 3 là việc “khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả của đào tạo” chiếm 35%.
Ngoài ra, có một số điểm đáng lưu ý khi đề cập đến các thách thức của đào tạo và phát triển. Chiếm 30% ý kiến cho biết đội ngũ lãnh đạo/quản lý không chú trọng đến việc đào tạo. Nhân viên học xong không ứng dụng được vào công việc và Nhân viên thiếu hợp tác trong đào tạo lần lượt chiếm 28% và 23% ý kiến của doanh nghiệp.
 
Xu hướng của đào tạo và phát triển trong thời kỳ chuyển đổi số
  • Đào tạo trực tuyến là xu hướng lớn nhất trong tương lai: Với 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, đối với doanh nghiệp của họ, đào tạo trực tuyến (E-learning) sẽ là hình thức đào tạo lớn nhất trong 5 năm tới. Tiếp theo là hình thức đào tạo tích hợp (Blended learning) bao gồm nhiều hình thức, từ học tập theo mô hình truyền thống đến học trực tuyến với 51% bình chọn. Nằm trong top 3 là doanh nghiệp sẽ tự phát triển hệ thống đào tạo riêng (Learning Management System – LMS) với 40% chia sẻ cùng ý kiến.
  • Đào tạo và phát triển đội ngũ lãnh đạo/quản lý trong thời kỳ chuyển đổi là việc cần làm nhất trong thời gian tới: Nhận thấy xu hướng chuyển đổi số là tất yếu, cùng với các yếu tố VUCA (nhiều biến động, không ổn định, không chắc chắn và mơ hồ), 56% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tập trung vào đào tạo và phát triển đội ngũ lãnh đạo và quản lý trong thời kỳ chuyển đổi. Đó là các chương trình đào tạo về năng lực quản trị trong biến động, kỹ năng khai vấn (coaching)…
  • Ít tương tác giữa con người với nhau là rảo cản lớn nhất của đào tạo trực tuyến: Rào cản lớn nhất này nhận được 76% ý kiến của các doanh nghiệp tham gia khảo sát. Tiếp theo là khả năng tiếp thu và tập trung của học viên khi tự học chiếm 67%. Việc học tập trực tuyến bị phụ thuộc vào khả năng quản lý thời gian và sự tự giác của nhân viên chiếm 54%.
Bên cạnh đó, các lợi ích của việc đào tạo trực tuyến là rất rõ ràng. Chiếm đến 90% ý kiến của doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết lợi ích lớn nhất chính là sự linh hoạt về thời gian và không gian dành cho người học. Học lại và truy cập dễ dàng học liệu nhận được 49% ý kiến đồng tình. Đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn và đông nhân viên, đào tạo trực tuyến cũng rất thuận tiện đối với họ khi có 42% có cùng ý kiến trên.

Để đào tạo và phát triển thực sự mang lại giá trị cho doanh nghiệp đúng như vai trò của nó sẽ cần đến rất nhiều sự chung tay của các cấp quản lý, lãnh đạo trong doanh nghiệp. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu theo đó, sự thành công và phát triển bền vững của một doanh nghiệp được đo lường bằng chính sự phát triển vượt trội về con người trong doanh nghiệp đó.

Có lẽ chưa bao giờ kỷ nguyên số lại đòi hỏi các doanh nghiệp tại Việt Nam phải chuyển mình mạnh mẽ đến như vậy. Chuyển đổi số trong kỷ nguyên số không còn là các dự báo xa vời mà đó là những yêu cầu sống còn nếu chúng ta muốn phát triển nhanh và bền vững. Chính vì thế, đào tạo và phát triển là một trong những chìa khóa quan trọng để giúp doanh nghiệp thực sự chuyển đổi thành công. Cho dù đó là các sản phẩm mới và dịch vụ mới của doanh nghiệp hay các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm cho đội ngũ nhân sự thì việc xây dựng chính sách cho đào tạo và phát triển một cách thực tế cũng như nhận được sự ủng hộ từ đội ngũ lãnh đạo sẽ khiến doanh nghiệp tạo ra được các lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường.
 
Quy trình để triển khai một khóa đào tạo In-house
  • Bước 1: Tư vấn, khảo sát, phân tích đối tượng và nhu cầu đào tạo 
Sau khi  tìm hiểu nhu cầu, mục tiêu đào tạo, những kỳ vọng của lãnh đạo doanh Nghiệp, các chuyên gia của  chúng tôi  sẽ tiến hành phân tích, đánh giá và tư vấn trực tiếp nhằm xác lập mục tiêu đào tạo cụ thể, phù hợp với nhu cầu riêng và đặc thù của doanh nghiệp, sau đó lên tổng quan chương trình đào tạo với các nội dung cơ bản nhất và gửi tới khách hàng để cùng thống nhất sơ bộ nội dung đào tạo. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiến hành tiếp xúc với các đối tượng học viên của khóa đào tạo để nắm được hiện trạng của đội ngũ nhân viên, tìm hiểu chi tiết về những kiến thức liên quan đến khóa học, những mặt mạnh, mặt yếu của học viên, công việc hằng ngày của họ liên quan đến chương trình học và những khó khăn họ gặp phải.
  • Bước 2: Thiết kế chương trình đào tạo
Chúng tôi đã nắm được mục tiêu đào tạo, thời lượng, đối tượng học viên, ưu nhược điểm của từng đối tượng, trên cơ sở đó các chuyên gia sẽ thiết kế chương trình đào tạo, biên soạn tài liệu giảng dạy với nội dung phù hợp nhằm đảm bảo tối ưu về mặt hiệu quả và tính kinh tế cho doanh nghiệp có nhu cầu.
  • Bước 3: Lập kế hoạch đào tạo 
Trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp và các nguồn lực hiện có (con người, thời gian, phòng học…) chúng tôi sẽ tư vấn và thống nhất với khách hàng về kế hoach triển khai đào tạo (thời gian, thời lượng,  địa điểm, phương thức, đối tượng…) nhằm giúp quá trình triển khai khóa đào tạo nhanh chóng, hiệu quả và đúng quy trình đã đề ra.
  • Bước 4: Tổ chức chương trình đào tạo
Chúng tôi sẽ phối hợp với Khách hàng trong quá trình triển khai đào tạo theo đúng kế hoạch đã đề ra. Trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn cử cán bộ theo dõi, quản lý lớp học và thu thập những thông tin phản hồi của học viên về công tác tổ chức, nội dung khóa học, giảng viên… để có những điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả khóa học.
  • Bước 5: Báo cáo và đánh giá sau đào tạo
Kết thúc khóa đào tạo, cán bộ quản lý lớp học của chúng tôi sẽ có bản đánh giá khảo sát ý kiến học viên về khóa học, đồng thời làm bản tổng kết đánh giá gửi Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Hai bên sẽ cùng ngồi lại để rút kinh nghiệm cho những khóa học tiếp theo.

Công tác đánh giá sau đào tạo có thể được tiến hành thông qua một trong số các phương pháp như sau:
  • Thực hiện bài kiểm tra trực tiếp vào cuối khóa;
  • Phỏng vấn trực tiếp từng học viên hay nhóm đại diện sau đào tạo;
  • Đánh giá thông qua việc thực hiện đề tài / kế hoạch ứng dụng sau khóa học;
  • Đánh giá trực tiếp sau thời gian đào tạo (1 tháng/ 3 tháng/ 6 tháng…)…
Mục tiêu chính của việc đánh giá này là nhằm giúp cho các nhà quản lý, doanh nghiệp tham gia đào tạo có thêm thông tin, luận chứng, cơ sở để xây dựng giải pháp phát triển nguồn nhân lực tiếp theo, góp phần phát huy tối đa sở trường của đội ngũ cũng như hạn chế tối thiểu các khuyết điểm (nếu có) của các học viên.