Trường Đại học Giáo dục

Xem nhanh
Lịch sử phát triển

Ngày 21/12/1999, Khoa Sư phạm (tiền thân của Trường Đại học Giáo dục) chính thức được thành lập theo Quyết định số 1481/TCCB của Giám đốc ĐHQGHN. Việc thành lập Khoa Sư phạm đánh dấu sự ra đời một mô hình đào tạo giáo viên mới trong hệ thống giáo dục Việt Nam - mô hình đào tạo mở hướng tới sự liên thông, liên kết trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Để ghi nhận và phát triển mô hình đào tạo tiên tiến, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 441/QĐ-TTg, ngày 03 tháng 4 năm 2009 thành lập Trường Đại học Giáo dục trên cơ sở Khoa Sư phạm. Trường Đại học Giáo dục đã trở thành đại học thành viên thứ 6 trong ngôi nhà chung ĐHQGHN. 

Hiện nay, Trường Đại học Giáo dục có 4 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 11 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 16 ngành đào tạo bậc cử nhân.
Đến năm 2020, Trường Đại học Giáo dục đã đào tạo được hơn 5.000 cử nhân, 18 khoá đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục với hơn 2000 học viên cao học; 14 khoá đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp giảng dạy bộ môn với hơn 3000 học viên; 5 Khóa đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Đo lường và Đánh giá trong giáo dục với hơn 100 học viên; 10 khóa thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên với hơn 100 học viên; 03 khóa thạc sĩ Quản trị trường học; 17 khoá đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục với hơn 100 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến; 5 Khóa đào tạo tiến sĩ Đo lường và đánh giá trong giáo dục với 36 NCS; 3 Khóa đào tạo tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng trẻ em và vị thành niên với 15 NCS; Bồi dưỡng hàng chục ngàn giáo viên, giảng viên trên cả nước về nghiệp vụ sư phạm và các khoá bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn khác. Song song với việc đào tạo trong nước, Trường Đại học Giáo dục đã triển khai có hiệu quả các hoạt động liên kết đào tạo quốc tế và chuyển giao công nghệ trong đào tạo. Tính đến nay, Trường đã triển khai 8 chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết quốc tế với 663 học viên, trong đó 650 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp bằng thạc sĩ.
Trường Đại học Giáo dục tích cực xây dựng, tư vấn chính sách ở tầm vĩ mô tới các Bộ, Ngành và các cơ quan Trung ương. Đồng thời, tham gia tư vấn phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều tỉnh, thành phố theo chỉ đạo của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.  
Trường Đại học Giáo dục là thành viên Hiệp hội giáo viên Châu Á  Thái Bình Dương; thành viên mạng lưới các trường đại học giáo dục Á - Phi (AAD); thành viên Mạng lưới Quốc tế về Đào tạo Giáo viên (UNITWIN), thành viên mạng lưới Trao đổi Sinh viên giữa Nhật Bản và ASEAN (TWINCLE).

Thành công của Trường Đại học Giáo dục trong các lĩnh vực hoạt động đã được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Trường đã nhận được nhiều danh hiệu khen thưởng các cấp, được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhì của Chủ tịch nước, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Chủ tịch UBND 11 tỉnh, thành phố; Cờ thi đua của ĐHQGHN và Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN.

Sứ mạng

Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao và trình độ cao trong khoa học và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và các nhóm nhân lực khác trong lĩnh vực giáo dục.
Tầm nhìn 2035
Trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu nằm trong tốp đầu của Việt nam về khoa học và công nghệ giáo dục, một số ngành đạt trình độ tiên tiến của châu Á.

Giá trị cốt lõi
  • Đạo đức, Chuyên nghiệp và Sáng tạo.
  • Khẩu hiệu hành động
  • Giáo dục vì ngày mai (Educator for tomorrow)
  • Triết lý và mục tiêu giáo dục
  • Triết lý giáo dục của nhà trường là nhân bản và khai phóng, hướng đến mục tiêu giáo dục là đào tạo người học có nhân cách trưởng thành, vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, có tinh thần chuyên nghiệp, thái độ tận tâm và sự sáng tạo trong công việc.